top of page

Bia Bà - Lịch sử về nơi cầu lộc nổi tiếng Hà Nội

Nếu chùa Hà là nơi cầu duyên, phủ Tây Hồ là nơi cầu tài cầu danh thì Bia Bà được bà con nhân dân cho là nơi cầu lộc nổi tiếng đất Hà thành. Đình Bia Bà (thường được gọi là đình La Khê) nằm trong quần thể di tích văn hóa La Khê, Hà Đông, Hà Nội là một địa chỉ tâm linh mà nhiều người hướng về trong những ngày đầu tháng, đầu năm mới để thắp hương cầu tài, cầu lộc.

Bia Bà

Bia Bà thờ Bà Đệ Nhị Cung Phi triều Mạc Thái Tông. Bà tên thật là Trần Thị Hiền - Hoàng phi của Vua Mạc Đăng Doanh. Bà được phong là Đông cung Hoàng hậu sau khi mất.


“Cầu duyên thì đến chùa Hà,

Cầu tài, cầu lộc thì đi Bia Bà”



Bia Bà

Bia Bà

Tổng quan về đình Bia Bà

Bia Bà được đặt ở đền Đức Thánh Bà trong đình La Khê. Người dân ở đây thường quen gọi di tích này với tên gọi đình Bia Bà. Sự linh thiêng của ngôi đình cổ được truyền tụng nhau qua một số câu chuyện trong dân gian. Theo truyền thuyết địa phương, một người phụ nữ đi làm đồng khi ngang qua khu Bia Bà đã nhường lại suất ăn của mình cho bà cụ ăn xin. Về sau, người phụ nữ đó ăn nên làm ra và giàu có. Một câu chuyện khác kể rằng, sau khi bị lạc đơn vị, một anh bộ đội đã gặp một bà cụ trên cánh đồng Vang và được nhận một lời khuyên: “Nếu con đi tiếp thì sẽ gặp cướp. Thế nên, con hãy vào trong nhà mẹ mà ngủ. Sáng mai nhớ phải đi về hướng Đông”. Theo chân cụ, anh bước vào một ngôi nhà gianh giữa cánh đồng nhưng sáng sau tỉnh dậy lại thấy mình ngủ trên cái bệ gạch. Nhớ lời chỉ dẫn từ hôm trước của bà cụ, anh đi theo hướng Đông và gặp lại được đơn vị của mình.

Chính điện đình La Khê
Chính điện đình La Khê


Khám thờ Đức Thánh Bà La Khê
Khám thờ Đức Thánh Bà La Khê

Sự huyền bí và linh thiêng của Thánh Bà được lưu truyền trong các truyền thuyết địa phương khiến cho Bia Bà ngày càng nổi tiếng. Theo người dân La Khê, Thánh Bà không làm hại ai bao giờ, nhưng đã nổi giận khi địa phương cho người phá Bia Bà bởi sự phức tạp đem tới từ những du khách đến đây ngày càng đông. Tuy nhiên, ngay buổi ra quân phá di tích tâm linh này, rắn mào ở đâu bò ra rất nhiều khiến đội quân phá bia hoảng sợ không dám ra tay… Trên thực tế, dù những câu chuyện nói trên có thật hay không thì người dân La Khê vẫn luôn tin rằng, Bia Bà rất linh thiêng. Nhiều người ở các địa phương khác cũng hành hương tới đây để chiêm bái ngôi đình cổ và mong muốn những điều ấp ủ sẽ thành hiện thực khi họ cất tiếng khẩn cầu tại đây.

Ban thờ Nhị vị thành hoàng đình La Khê
Ban thờ Nhị vị thành hoàng đình La Khê

Khám thờ Đại vương ở hậu cung đình La Khê
Khám thờ Đại vương ở hậu cung đình La Khê

Theo truyền thuyết, đình La Khê thờ Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa Công chúa (gọi là Nhị vị Đại vương). Đây là hai thành hoàng đã giúp dân trừ ác và có nước để cày cấy, chăn nuôi và nhờ vậy, vùng đất La Khê đã trở nên trù phú. Đền Bia Bà trong khuôn viên đình La Khê, thờ bà Trần Thị Hiền (1511 - 1538) - Đệ nhị Cung phi Triều Mạc Thái Tông (1530 - 1540). Bà sinh tại làng La Ninh, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây, nay là thôn La Khê, xã Văn Khê. Là Đệ nhị cung của Vua Mạc Thái Tông với tư chất thông minh, lại nết na thùy mị và có nhan sắc hơn người nhưng Bà vẫn hay lam hay làm. Năm 1538, khi Bà qua đời ở tuổi 28, Triều đình nhà Mạc đã cử nhiều viên quan giữ trọng trách trong Triều mang lễ vật về điếu viếng rất trọng thể và tiễn Bà đến nơi an nghỉ tại cánh đồng Đa Bang trong làng La Khê. Bia Bà về sau được đưa về phần bên phải sân đình La Khê. Có lẽ bởi điều này, người dân địa phương thường gọi đình La Khê là đình Bia Bà.


Bia Bà và không gian văn hóa- tâm linh La Khê

Trải qua rất nhiều thời gian, Bia Bà vẫn là nơi bà con Hà thành tới lễ cầu may, cầu lộc. Đặc biệt, chị em làm ăn buôn bán còn ví Bia Bà như “Bà Chúa Kho” của Hà Nội. Tuy vậy, phần lớn bà con, chị em tới lễ là nghe tiếng, đến lễ bởi lòng thành nhưng không mấy người có thời gian tìm hiểu về lịch sử Bia Bà và vị Thánh nữ được khắp vùng tôn kính, cầu lộc. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về ngài. Bia Bà nằm trong quần thể tâm linh La Khê gồm Chùa - Đình - Bia và được đặt cùng khuôn viên Đình La Khê nơi thờ hai vị thành hoàng là Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa Công chúa (gọi là nhị vị Đại vương) đã giúp dân trừ ác, có nước để cày cấy, chăn nuôi, giúp vùng đất này trở nên trù phú; nơi đây cũng thờ các vị Thánh sư đã có công dạy dân trong vùng làm nghề lụa vì trước đây vùng này nổi tiếng với nghề dệt lụa. Còn Bia Bà thờ ngài Trần Thị Hiền, Hoàng phi của Vua Mạc Thái Tông - Mạc Đăng Doanh (sau khi bà mất được phong làm Đông cung Hoàng hậu). Bà đã có công với triều đình nhà Mạc và nhân dân địa phương. Toàn bộ khu Đình và Bia Bà đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998.

Ban thờ bia Thánh sư đình La Khê
Ban thờ bia Thánh sư đình La Khê

Bà Trần Thị Hiền là con gái ông Trần Chân, trước đây gia đình bà ở làng La Ninh, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây. Sau tránh tên húy của vua Lê Duy Ninh nên đổi là thôn La Khê nay là phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Bà được coi là người phụ nữ sinh ra, lớn lên trong một gia đình thế phiệt trâm anh, có nhiều đời làm quan trong triều. Cha bà, ông Trần Chân là Đô lực sĩ Thiết Sơn (ở đời Lê sơ), sau được phong là Dũng Quận công. Khi bà mất được chôn cất tại cánh đồng Đa Bang (hay nhân dân còn gọi là cánh đồng Hoàng hậu) tại quê nhà tại làng La Khê ngày nay. Nhà thờ Quận công Trần Chân, cha bà, được dòng họ Trần ở La Khê hằng năm hương khói cũng đặt gần quần thể tâm linh Chùa - Đình - Bia La Khê.


Lịch sử về vị Đức Thánh Bà tại Bia Bà La Khê

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn nói về việc Vua Mạc Thái Tông - Mạc Đăng Doanh đã nên duyên với bà Trần Thị Hiền như sau: “Trước đây, Trần Chân đã đuổi được Nguyễn Hoàng Dụ, quyền nắm trong tay, Mạc Đăng Dung cũng phải sợ, mới hỏi con gái của Chân cho con trai mình là Đăng Doanh”. Như vậy, đủ thấy cha bà Trần Thị Hiền, ông Đô lực sĩ Thiết Sơn bá Trần Chân (đời Lê sợ) khi đó có danh tiếng và thế lực thế nào.

Nguyệt hồ và nghi môn đình La Khê
Nguyệt hồ và nghi môn đình La Khê

Mặt nam đền Bia Bà với Đài kỷ niệm ở cuối sân
Mặt nam đền Bia Bà với Đài kỷ niệm ở cuối sân

Sau đó, từ năm 16 tuổi bà đã theo sự sắp đặt của gia đình, vào làm vợ Vua Mạc Đăng Doanh. Tuy mối duyên tình của bà là kết quả của sự sắp đặt nhưng bà đã được nên duyên với một vị vua giỏi, được sử sách ca ngợi là vị Vua đã có công làm cho: “Nhà no người đủ, trong nước gọi là trị bình” (Phan Huy Chú - “Lịch chiều hiến chương loại chí”) hay “Mấy năm trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng” (theo “Đại Việt thông sử”), “Người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” (theo “Đại Việt sử ký toàn thư”).

Tam quan nội của đình La Khê
Tam quan nội của đình La Khê

Dù bà chỉ ở cạnh Vua Mạc Thái Tông 12 năm, tới năm 28 tuổi, do bị hậu sản khi sinh vị Hoàng tử đầu lòng và là vị Hoàng tử thứ 5 trong triều, bà về quê an dưỡng sau đó mất tại quê nhà nhưng bà đã có đóng góp không nhỏ trong việc sắp xếp hậu cung, được Vua Mạc Đăng Doanh ca ngợi trong văn bia đặt tại Bia Bà: “Ôi! Đức tính điềm tĩnh thận trọng thư thái nhàn nhã của bà phi đã giúp bà cần kiệm thu xếp ổn thỏa mọi việc trong nhà cho dù những người được tán thán trong Kinh Thi, Kinh Dịch cũng không hơn thế được. Đáng lẽ Bà phải được hưởng phúc khánh nhiều vô cùng, song không hiểu sao sớm đã quy tiên, thật đáng thương thay. Bà phi có nhiều đức hạnh cao đẹp như vậy, sao chẳng đem khắc vào bia đá để lưu truyền bất hủ ư?”.

Các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại cho rằng: vì bà Trần Thị Hiền có công trong việc thu vén tài chính, khéo lo liệu sắp đặt hậu cung, lại giúp đỡ mở mang nghề dệt ở quê nhà, thương giúp người nghèo khó, đóng góp không nhỏ trong việc “tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” của Vua Mạc Đăng Doanh; sau bà lại nhiều lần hiển linh - hiển thánh thể hiện oai nghiêm nên bà được nhân dân kính tin, thờ phụng.


Đình Bia Bà - Điểm hành hương của những người cầu tài lộc

Mặt chính diện của đình Bia Bà quay về hướng Nam, phía trước là giếng nước rộng. Tổng diện tích khuôn viên của đình Bia Bà khoảng 8000m2. Theo người dân địa phương, đình Bia Bà được cho là xây dựng vào đầu thế kỷ XVII và được tu bổ lớn trong thế kỷ XVIII. Tấm Bia Bà được dựng trong đền, nằm bên phải sân đình. Nhiều hạng mục công trình của đình lần lượt được tu bổ: Nhà Đại bái - năm 1997; Hậu cung, điện thờ (Chính điện thờ Thánh Bà, Hữu điện thờ Đệ nhất Công chúa và Tả điện thờ Đệ nhị Công chúa) tu sửa năm 2002. Khu Di tích đình Bia Bà có Bia Bà (thờ bà Trần Thị Hiền - Đệ nhị Cung phi Triều Mạc Thái Tông) và Bia Thánh Sư (thờ 10 vị người Trung Hoa đời Minh sang dạy dân làm nghề lụa). Trong ngôi đình cổ còn lưu giữ được 28 sắc phong của các triều đại quân chủ Việt Nam.

Tấm Bia Bà trong tủ kính
Tấm Bia Bà trong tủ kính

Bia Bà đầu tiên được dựng lên tại cánh đồng Đa Bang (còn gọi là cánh đồng Hoàng hậu) trong 3 thế kỷ trước. Nội dung của văn bia ghi chép về sự tích Thánh bà Trần Thị Hiền. Khởi điểm, Bia Bà chỉ là một cái bệ đặt tấm bia và có bát hương. Mặc dù xung quanh cây cối rậm rạp nhưng người địa phương vẫn đến chiêm bái đều đặn nên ngày sóc ngày vọng, bát hương luôn ấm áp.

Tòa đại bái đình La Khê
Tòa đại bái đình La Khê

Đã có hai lần bia bị đổ (năm 1913 và khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ XX). Ngay khi bia đổ năm 1913, vì sợ “nước chảy đã mòn”, một người dân La Khê đã sao chép và lưu lại nội dung bài văn bia trong cuốn sổ Thánh tích của làng. Về sau, bia được đưa về để ở sân đình làng La Khê. Từ đó khách thập phương đến chiêm bái mỗi ngày một đông.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ban Quản lý Di tích La Khê đã tiến hành dựng nhà để bia ở ngay trong khuôn viên của đình La Khê và xây dựng thành ngôi miếu khang trang hài hòa với tổng thể kiến trúc và cảnh quan của cụm di tích.


Phần đầu văn bia viết về tiểu sử của Đệ nhị cung Trần Thị Hiền, có đoạn: “Làng La Ninh, huyện Từ Liêm là quê hương của Bà phi. Ông nội của bà húy là Thiện, được phong là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bảo; bà nội họ Nguyễn huý là Trù, được phong là Liệt phu nhân. Thân phụ của bà họ Trần, húy là Chân, do có công lao được phong là Thiết Sơn bá, rồi Dũng Quận công; thân mẫu họ Trần, húy là Tú, được phong là Huy nhân”.


Nội dung tiếp theo của Bia Bà ca ngợi công đức và thể hiện sự tiếc thương của Nhà vua đối với Đệ nhị Cung phi Trần Thị Hiền với lời lẽ bi ai thống thiết: “Ôi ! Đức tính điềm tĩnh thận trọng thư thái nhàn nhã của bà phi đã giúp bà cần kiệm thu xếp ổn thỏa mọi việc trong nhà cho dù những người được tán thán trong Kinh Thi, Kinh Dịch cũng không hơn thế được. Đáng lẽ Bà phải được hưởng phúc khánh nhiều vô cùng, song không hiểu sao sớm đã quy tiên, thật đáng thương thay. Bà phi có nhiều đức hạnh cao đẹp như vậy, sao chẳng đem khắc vào bia đá để lưu truyền bất hủ ư?”.


Cũng như các vị vua khác, chắc chắn Mạc Thái Tông có đủ “tam cung lục viện”, nhưng với những gì ông thể hiện với bà Trần Thị Hiền cho thấy, Nhà vua đã giành tình cảm lớn và sâu đậm cho người vợ đầu tiên của mình.


Xem thêm









1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Theme-Download-CDR-01-8-1.jpg
Theme-Download-CDR-300x600.jpg
Theme-Download-CDR-336x280.jpg
Theme-Download-CDR-300x600.jpg
Theme-Download-CDR-336x280.jpg
bottom of page