Khám phá chùa Trấn Quốc - Cổ tự 1500 năm linh thiêng
Đã cập nhật: 7 thg 4, 2023
Thủ đô Hà Nội vẫn thường được nhắc đến như một vùng đất có bề dày văn hóa – lịch sử, nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và công trình đền chùa, miếu mạo linh thiêng. Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa hơn nghìn năm tuổi, lâu đời nhất ở đất Thăng Long, mang giá trị cả về mặt tâm linh, lịch sử và nét đẹp kiến trúc. Đây được xem là một trong những địa điểm du lịch ở Hà Nội không thể bỏ qua.
Cùng bài viết sau đây của Cách Hay Nhất tìm hiểu về Trấn Quốc Tự và bỏ túi cho mình những kinh nghiệm hữu ích trước khi ghé thăm ngôi chùa cổ kính này.
1. Đôi nét giới thiệu về chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ ở Việt Nam nằm ở số 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, có tuổi đời lên đến 1500 năm. Chùa tọa lạc trên một gò đất, trông xa xa giống hệt như một hòn đảo nhỏ. Bao quanh chùa là làn nước xanh biếc, chẳng khác gì một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua: cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.
Thời nhà Lý – Lê, Trấn Quốc Tự là trung tâm Phật Giáo của của kinh thành Thăng Long. Năm 2021, ngôi chùa này vinh dự nằm trong TOP 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn. Đặc biệt, nơi đây còn được biết đến là một trong những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng nhất tại Hà Nội.
Với vị trí đắc địa, lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo, chùa Trấn Quốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong các chuyến du ngoạn, khám phá Thủ đô. Ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp, du khách còn có thể đến đây để lễ Phật, hành hương hay cầu bình an, may mắn.
2. Thời gian đón khách và giá vé tham quan Trấn Quốc Tự
Chùa sẽ mở cửa cho khách vào tham quan tất cả các ngày trong tuần, từ 8h đến 16h. Ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, chùa sẽ đón khách từ 6h đến 20h. Riêng đêm giao thừa, Trấn Quốc Tự sẽ mở cửa hết đêm để đón Phật tử đến cầu nguyện, cúng bái, chia sẻ khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Giá vé chùa Trấn Quốc khá rẻ, chỉ từ 5.000 VND/ lượt tham quan.
3. Thời điểm lý tưởng để tham quan, khám phá Trấn Quốc Tự
Là ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất Thủ đô Hà Nội, Trấn Quốc Tự lúc nào cũng tấp nập Phật tử và khách đến tham quan, lễ bái. Mùng 1 và 15 hàng tháng là 2 thời điểm khách đến chùa đông nhất. Ngoài ra, Tết Nguyên Đán cũng là lúc mà mọi người tề tựu về chùa.
Du khách có thể ghé thăm ngôi chùa này vào bất kỳ thời điểm nào trong tháng. Tuy nhiên, nếu muốn tận hưởng cảm giác thanh tịnh và an yên nơi cửa Phật thì bạn nên đến đây vào những ngày thường. Còn nếu thích vãn cảnh hay chụp ảnh check – in thì sáng sớm sẽ là khung giờ lý tưởng nhất.
4. Các cột mốc lịch sử của chùa Trấn Quốc
Theo sử liệu, Trấn Quốc Tự được xây dựng từ thời Tiền Lý, thế kỷ thứ 6. Ban đầu, chùa có tên là Khai Quốc, tọa lạc ở một bãi đất của làng Yên Hòa, tức làng Yên Phụ ngày nay. Năm 1440, vua Lê Thái Tông đổi tên chùa thành An Quốc với mong muốn đất nước an bình, trường tồn.
Đến thời vua Lê Kính Tông, tức năm 1615, chùa được di dời vào khu vực đê Yên Phụ, dựng lại trên nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàn Nguyên nhà Trần. Năm 1639, chúa Trịnh cho tu sửa lại cổng tam quan và làm hành lang 2 bên tả, hữu. Chùa có tên Trấn Quốc từ thời vua Lê Hy Tông.
Đầu thời nhà Nguyễn, chùa được tôn tạo trên quy mô hoành tráng, đúc chuông và đắp thêm tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng ngự giá, ban cho chùa 20 lạng bạc để trùng tu và mở rộng. Đến năm 1842, chùa được vua Thiệu Trị ban 1 đồng vàng lớn cùng 200 quan tiền, đồng thời đổi tên chùa Trấn Quốc thành Trấn Bắc.
Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi ngôi chùa này bằng cái tên Trấn Quốc và giữ mãi cho đến ngày nay. Trải qua thời gian, Trấn Quốc Tự lần lượt được tôn tạo, tu bổ và bổ sung thêm nhiều hạng mục, mang đến vẻ đẹp trang nghiêm cho ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi.
5. Trấn Quốc Tự thờ phụng ai?
Trấn Quốc Tự là ngôi chùa theo hệ phái Bắc Tông. Bên trong điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và Phật Bà Quan Âm. Bên cạnh đó, chùa còn có ban thờ Chu Thương, Quan Vũ, Quan Bình, Đức Ông và các thị giả.
6. Phương tiện và cách di chuyển đến Trấn Quốc Tự
Trấn Quốc Tự nằm ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 4 km về phía đông. Để đến tham quan chùa Trấn Quốc, bạn có thể lựa các loại phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy hoặc dịch vụ taxi, Grab. Thời gian di chuyển chỉ từ 15 – 20 phút, có chỗ gửi xe mất phí.
Xe buýt cũng là một phương tiện đáng cân nhắc nếu bạn muốn đến Trấn Quốc Tự. Đây chính là loại phương tiện thường xuyên được các Tăng Ni, Phật tử của chùa sử dụng. Hiện nay, có 2 tuyến xe buýt có điểm dừng gần chùa là tuyến số 33 (Bến xe Yên Nghĩa – Xuân Đỉnh) và tuyến số 50 (Long Biên – Sân vận động Quốc gia).
7. Các địa điểm lưu trú gần với Trấn Quốc Tự
Để thuận tiện cho việc tham quan, khám phá ngôi chùa này, du khách nên lưu trú tại các nhà nghỉ, khách sạn ở quận Tây Hồ và quận Ba Đình. Tại các quận này có khá nhiều điểm lưu trú với mức giá đa dạng, tùy theo nhu cầu mà bạn có thể chọn cho mình nơi ở phù hợp.
List khách sạn dịch vụ tốt, giá rẻ tại quận Tây Hồ và Ba Đình cho bạn tham khảo:
The Hanoi Club Hotel & Residences
Vị trí: Số 76 Yên Phụ, Yên Phụ, Tây Hồ.
Mức giá: từ 1.600.000 VND/ đêm.
The Hanoi Club Hotel & Residences là khách sạn chuẩn 4 sao với chất lượng phòng và dịch vụ cao cấp. Ngoài hệ thống phòng ốc hiện đại, khang trang, khách sạn còn cung cấp cho khách hàng các tiện nghi phụ trợ như hồ bơi, nhà hàng, khoảng view đẹp…
The Royal Hotel
Vị trí: Số 60 Nghi Tàm, Yên Phụ, Tây Hồ.
Mức giá: từ 600.000 VND/ đêm.
The Royal Hotel là lựa chọn lưu trú có mức giá siêu tốt ở quận Tây Hồ. Phòng nghỉ ở đây được đánh giá là có chất lượng tốt trong tầm giá dưới 1.000.000 VND, đầy đủ các tiện nghi cần thiết. Đặc biệt, khách sạn còn nằm trong khu vực trung tâm, thuận tiện cho việc đi lại.
The Autumn Homestay
Vị trí: Số 30A Trúc Lạc, Trúc Bạch, Ba Đình.
Mức giá: từ 375.000 VND/ đêm.
Lưu trú tại homestay sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm thú vị hơn so với nhà nghỉ hay khách sạn. The Autumn Homestay chỉ cách Chùa Trấn Quốc hơn 300 m, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng phòng. Phòng nghỉ decor đẹp và cực kỳ ấm cúng, mức cả phải chăng.
Pan Pacific Hanoi
Vị trí: Số 1 Thanh Niên, Trúc Bạch, Ba Đình.
Mức giá: từ 2900.000 VND/ đêm.
Thuộc phân khúc khá cao cấp, Pan Pacific Hanoi sẽ mang đến cho bạn một khoảng view siêu đẹp cùng hệ thống phòng nghỉ tiện nghi. Hạng phòng đa dạng, có cả phòng lớn dành cho gia đình. Ngoài ra, sự thân thiện, hiếu khách và nhiệt tình của nhân viên cũng là một điểm cộng cho địa điểm lưu trú này.
8. Kiến trúc độc đáo của chùa Trấn Quốc
Chùa tọa lạc trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, nép mình trầm mặc trên con đường Thanh Niên tấp nập. Là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu, chùa Trấn Quốc đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, diện mạo có phần thay đổi, quy mô và kiến trúc của chùa hiện giờ là kết quả của một đợt trùng tu lớn năm 1815. Tổng diện tích chùa khoảng hơn 3000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện.
Là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, Trấn Quốc Tự gây ấn tượng với du khách bằng lối kiến trúc cổ vô cùng độc đáo. Dù đã trải qua rất nhiều đợt trùng tu nhưng ngôi chùa này vẫn giữ được nguyên tắc kết cấu và kiến trúc thuần Phật Giáo.
Nhìn từ trên cao, chùa có dạng hình chữ Công với 3 phần chính là Thượng điện, Tiền đường và Nhà Thiêu hương. Ngoài ra, Cửu phẩm liên hoa hay Bảo tháp cũng là điểm nhấn thú vị trong tổng thể công trình.
Nhà Tiền đường có hướng về phía Tây, phía sau có nhà Tam bảo. Hai dãy hành lang nằm hai bên nhà thiêu hương và Thượng điện. Phía sau Thượng điện là gác chuông nằm trên trục sảnh đường chính với kiến trúc ba gian có mái chồng diêm. Nhà tổ nằm bên trái Thượng điện và bên trái là nhà bia hiện còn lưu giữ 14 tấm bia mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.
8.1 Bảo tháp – Cửu phẩm liên hoa
Bảo tháp lục độ đài sen là công trình được xây dựng từ năm 1998 đến 2003, tạo thành khu vườn tháp cho chùa. Tòa Bảo tháp có tổng cộng 11 tầng, diện tích khoảng 10,5 m2. Bên trong Bảo tháp có tượng Phật A Di Đà được làm từ đá quý và khoảng 66 pho tượng khác.
Bên trên Bảo tháp có một tòa sen 9 tầng (Cửu phẩm liên hoa) đúc từ đá quý. Trông xa xa, Cửu phẩm liên hoa như một đóa sen đang nở rộ, sáng lấp lánh và tỏa ngát hương thơm. Bảo tháp chùa Trấn Quốc được đánh giá là công trình mang đậm tính mỹ thuật, vừa giữ được nét mềm mại, uyển chuyển cho kiến trúc tổng thể vừa tăng thêm phần uy nghi, lộng lẫy.
8.2 Nhà Tiền đường
Tham quan xong tòa Bảo Tháp, bạn có thể ghé qua lễ Phật tại nhà Tiền đường. Tiền đường của ngôi chùa được xây dựng ở phía tây, đằng sau là Nhà Tam đảo, 2 dãy hành lang 2 bên chính là Thượng điện và Nhà Thiêu hương.
Tiền đường là nơi đặt rất nhiều pho tượng Phật và Quan Công. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến pho tượng Phật Thích Ca Nhập Niết bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Đây cũng chính là pho tượng Niết đẹp nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, trong Tiền đường còn có nhiều pho tượng Phật bằng đồng quý giá khác.
8.3 Thượng điện
Thượng điện là công trình tiếp theo mà bạn không nên bỏ qua khi đi tham quan chùa Trấn Quốc. Sau Thượng điện có một gác chuông được xây thành nhà 3 gian. Công trình được xây bằng gỗ, mái ngói vảy cá đỏ mang đến nét cổ kính đặc trưng.
Bên phải gác chuông là khu vực nhà thờ tổ, phía bên trái là nhà bia. Trấn Quốc Tự hiện đang lưu giữ 14 tấm bia, trên bia là thơ của những vị Tiến sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Không chỉ mang giá trị lịch sử của chùa, những tấm bia này còn là tài sản quý đối với văn hóa Hà Nội xưa.
8.4 Cây bồ đề
Nhắc đến Trấn Quốc Tự, người ta sẽ nhớ ngay đến cây bồ đề lớn, được chiết từ cây Đại bồ đề Đạo Tràng. Đại bồ đề Đạo Tràng là nơi mà Phật Thích Ca đã ngồi hành đạo từ cách đây 25 thế kỷ. Tương truyền, cây bồ đề mọc ra từ một nhánh được lấy từ chính cây gốc ở Bodh Gaya, Ấn Độ - nơi Đức Phật đã đạt Giác ngộ.
Cây bồ đề của chùa Trấn Quốc có nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh, biểu trưng cho trí tuệ của Đức Phật, lòng nhân ái và vị tha của ngài đối với chúng sinh. Hàng năm, có rất nhiều người đến khấn bái và hành lễ trước cây bồ đề quý này. Qua gần 60 năm kể từ ngày được ông Prasat trao tặng, cây vẫn tươi tốt và tỏa bóng mát khắp một góc chùa.
9. Những vấn đề cần lưu ý khi đi tham quan, du lịch Trấn Quốc Tự
Lựa chọn trang phục lịch sự, không mặc đồ hở hang hay phản cảm.
Không gây ồn ào hoặc có thái độ khiếm nhã khi tham quan chùa.
Không ngắt lá, bẻ cành và gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung của chùa.
Giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng vị trí quy định.
10. Các địa điểm du lịch gần với chùa Trấn Quốc
Trấn Quốc Tự nằm khá gần với các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội. Do đó, du khách hoàn toàn có thể kết hợp tham quan chùa với các địa điểm khác..
Đền Quán Thánh: tầm 1,1 km. Phủ Tây Hồ: tầm 3,7 km. Hoàng thành Thăng Long: tầm 2,7 km. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: tầm 2.8 km. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: tầm 2 km. Phố cổ Hà Nội: tầm 2,9 km. Nhà hát lớn Hà Nội: tầm 4 km. Văn Miếu – Quốc Tử Giám: tầm 2,9 km.
Chùa Trấn Quốc là biểu tượng cho lịch sử và văn hóa tâm linh trường tồn của người dân Thủ đô. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, nơi đây vẫn sẽ là điểm đến lý tưởng trong hành trình khám phá của bạn.
Comentarios